Truy cập nội dung luôn

Những lưu ý khi điều trị thoái hóa cột sống cổ

VOV.VN -Thoái hóa cột sống cổ là bệnh thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn hạn chế vận động, kèm biến chứng.

Người bệnh ngày càng trẻ hóa

Nếu như trước đây thoái hóa cột sống cổ thường gặp ở người độ tuổi 40 trở lên thì ngày nay bệnh lý này còn xuất hiện ở lứa tuổi thanh niên. Ít ai ngờ rằng nguyên nhân do một số thói quen tưởng chừng vô hại gây ra như: ngồi ở tư thế gò bó kéo dài, ít vận động, vận động sai, lao động nặng, phải làm những động tác khó khi lao động… Điều này làm cho sự chịu tải của khớp không hợp lý, lâu dài sẽ dẫn tới bệnh lý thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp còn do các nguyên nhân chấn thương, bệnh lý, rối loạn chuyển hóa, béo phì làm cho các khớp bị tăng chịu tải, lâu dài dẫn đến biến đổi và thoái hóa các thành phần của khớp như sụn khớp, dẫn đến thoái hóa khớp.

Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý thường gặp nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh. 

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu, Chủ nhiệm khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, Bệnh viện TƯQĐ 108, Phó Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, thoái hóa có giai đoạn, nhưng dấu hiệu dễ nhận thấy như: đau mỏi khớp, đau ê ẩm khi ngồi lâu một tư thế hoặc sau khi ngủ dậy thấy các khớp khó cử động; Nặng hơn nữa là có những cơn đau triền miên, dai dẳng dẫn tới khó khăn trong cử động cũng như hoạt động khớp (đi lại khó khăn, đi bị đau). Một số trường hợp đau khớp liên quan đến chèn ép rễ thần kinh gây ra cảm giác tê bì, teo cơ…  Bác sĩ Lưu cho biết, khi bắt đầu có hiện tượng tê bì đã cảnh báo dấu hiệu của chèn ép và tổn thương thần kinh liên quan đến rễ thần kinh. Một số người bị đau cấp khi có những dấu hiệu cảnh báo nêu trên, tuy nhiên cũng có trường hợp đã thoát vị đĩa đệm nhưng chỉ đau thoáng qua do đã thích nghi với triệu chứng này từ rất lâu rồi. Lúc này người bệnh cần được điều trị tổng thể như: nội khoa, vật lý trị liệu, nếu cần thiết phải can thiệp ngoại khoa.

“Người bệnh cần được đánh giá cụ thể không chỉ qua khám lâm sàng mà còn cần có cả chẩn đoán hình ảnh như Xquang, cộng hưởng từ... Nếu chỉ là thoái hóa đơn thuần ở mức độ nhẹ và vừa, chỉ cần thay đổi lối sống và tư thế làm việc, điều trị nội khoa và vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Khi có thoát vị thực thụ, vòng xơ đã bị đứt rách, nhân nhầy đĩa đệm đã chui ra khỏi vị trí thì điều trị kém hiệu quả. Đặc biệt khi đã có mảnh di trú lọt vào trong ống sống thì phải can thiệp ngoại khoa mới giải phóng được chèn ép”, PGS Lưu phân tích.

Nên khám đúng chuyên khoa

Theo bác sĩ Lưu, một số triệu chứng đau mỏi do ngồi lâu, không thay đổi tư thế… chỉ cần điều chỉnh lại thói quen làm việc, thói quen sinh hoạt, tập luyện và vật lý trị liệu là đủ, chứ chưa nhất thiết phải đi điều trị nội khoa. Nhưng nếu không chú ý khâu đó, để đến lúc đau dai dẳng, gây tổn thương tới sụn khớp thì việc điều trị có thể khó khăn hơn rất nhiều bởi khi ấy, người bệnh đã bỏ qua giai đoạn “vàng” điều trị.

Vật lý trị liệu được đánh giá là một phương pháp an toàn vì những hiệu quả mà nó mang lại. Với các kỹ thuật trị liệu như dùng nhiệt, điện, thực hiện bài tập trị liệu, kéo dãn cột sống… giúp lấy lại sự cân bằng của hệ cơ xương khớp, giảm thiểu các triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ, phục hồi chức năng vận động cột sống, đĩa đệm và các khớp. “Nhờ những can thiệp tại chỗ bằng cách điều trị trực tiếp vào vùng tổn thương sẽ tác động đúng vào vị trí bị đau nên hiệu quả rất rõ rệt. Do không dùng thuốc cho nên vật lý trị liệu không có tác dụng phụ của thuốc, nhất là các thuốc chống viêm, giảm đau. Khi dùng các trường vật lý nhân tạo tác động từ bên ngoài vào, tự cơ thể sẽ điều chỉnh lại hoạt động vật lý nội sinh, vừa giảm bệnh lý vừa cân bằng nội sinh”, PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu nhấn mạnh.

Trị liệu thoái hóa là điều trị đa mô thức, kết hợp giữa thuốc, can thiệp ngoại khoa (nếu bị nặng) và vật lý trị liệu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số trường hợp khi thấy triệu chứng đau mỏi đã tìm tới một số cơ sở vật lý trị liệu không chính thống để xoa bóp, bấm huyệt để lại hậu quả đáng tiếc. Ví dụ, những người không được đào tạo về chuyên môn y tế, không hiểu biết về giải phẫu, sinh lý có thể gây ra tổn thương nguy hiểm cho người bệnh.

“Chẳng hạn, việc bẻ nắn mạnh hay giẫm lên lưng, có thể dẫn tới gãy đốt sống (ở người cao tuổi), có thể bị sai khớp hoặc đang từ bệnh nhẹ dẫn đến thoát vị thực thụ và tổn thương nặng hơn. Việc day bấm không đúng cách cũng có thể dẫn đến tổn thương phần mềm làm đau nhiều lên, nặng hơn là bị đứt rách tổ chức, dẫn đến xuất huyết, gây viêm tại chỗ, gây nhiều biến chứng khác”, bác sĩ Lưu phân tích.

Quy luật tự nhiên già hóa là không ai có thể thay đổi. Tuy nhiên để quá trình lão hóa chậm đi, chúng ta có thể thay đổi cách sống, tập luyện và nghỉ ngơi khoa học, đồng thời ăn uống hợp lý, đủ chất, tránh béo phì. Ví dụ tránh nằm gối cao đầu; cách ngồi đúng để tránh gây tải trọng lên các khớp; Không nên làm việc quá lâu ở một tư thế; Cần chú ý vận động, thể dục thể thao giữa giờ…

Thiếu vận động dẫn tới nhiều vấn đề như thoái hóa sớm, teo cơ, cứng khớp, bất hoạt và nhiều vấn đề khác. Việc tập luyện và vận động phải phù hợp với mức độ tổn thương bệnh lý. Do vậy, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có uy tín, các khoa phục hồi chức năng, khoa cơ xương khớp của bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và Trung ương để được thăm khám và điều trị đúng./.

Nguôn: vov.vn

Lưu Hường/Báo tiếng nói Việt Nam