Truy cập nội dung luôn

Kỳ 9: Công trình mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở huyện đảo Trường Sa

Thu Apr 30 08:00:00 GMT+07:00 2020

Trên Đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cách đất liền gần 1000 hải lý, một quần thể công trình được xây dựng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam để tưởng nhớ công lao to lớn của Đại tướng. Công trình mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nơi đây có ý nghĩa giáo dục lòng tự hào về truyền thống anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, như lời nhắc nhở về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu cho các thế hệ và nhiệm vụ giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.

Kỳ 8: Những thầy thuốc khoác áo xanh trên đảo

Kỳ 7: Coi trọng công tác phát triển đảng trên huyện đảo Trường Sa

Kỳ 6: Tiếng chuông chùa trên quần đảo Trường Sa, Thông điệp về chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Kỳ 5: Những chồi non trên Quần đảo Trường Sa lớn lên cùng bão tố

Kỳ 4: Cây Bàng vuông - hình tượng người chiến sỹ Hải quân

Kỳ 3: Người gác cửa Biển Đông

Kỳ 2: Trường Sa, vững vàng nơi đảo chìm

Kỳ 1: Tết sớm ở huyện đảo Trường Sa

Vinh danh vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam

Công viên và con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh, người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam được xây dựng trên đảo Sơn Ca, hòn đảo xinh đẹp thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Công viên được thiết kế mở và hướng nhìn ra biển, khuôn viên có nhiều cây xanh và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, là điểm sinh hoạt, giao lưu văn hóa của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.

Toàn cảnh Công viên và tượng đài Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Trong hải trình của tầu Kiểm ngư 491 đến thăm, chúc tết quân và dân huyện đảo Trường Sa vào dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2020, khi vừa đặt chân lên đảo Sơn Ca, chúng tôi rảo bước trên con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi tập trung tại công viên Võ Nguyên Giáp để thực hiện Lễ dâng hương trước tượng đài Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Công viên mang tên vị Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam được xây dựng tại vị trí trung tâm của đảo Sơn Ca, hướng ra biển nhìn về đất liền. Điểm nhấn của công viên là bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp uy nghi hướng nhìn bao quát cả vùng biển, vùng trời bao la của tổ quốc Việt Nam.

Chỉ huy Trưởng đảo Sơn Ca, trung tá Đỗ Ngọc Dũng cho biết: Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng với tổng diện tích hơn 400m2. Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chiều cao 1,76m được tạc từ đá Sa thạch nguyên khối; đây là tác phẩm nghệ thuật do nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thực hiện và hoàn thành vào tháng 12/2015, bức tượng đã thể hiện thần thái uy nghi, tầm nhìn chiến lược và quyết đoán của vị Tướng thiên tài. Phía sau chân dung là bức tường dài 24m cao 2,5m hình vòng cung chạy thành hai cánh ôm phía sau bức tượng Đại tướng. Trên hai cánh bức tường gắn 300 bức ảnh tư liệu lịch sử; các bức ảnh trên bức tường được sắp xếp công phu theo trình tự thời gian, thể hiện các giai đoạn trong cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam từ khi thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Trên bức tường trang trí hoạ tiết hình sóng cuộn được gắn từ nhiều mảnh gốm, đặc biệt là trên tường gắn 300 bức ảnh tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tư liệu quý của Quân chủng Hải quân Việt Nam, toàn bộ số ảnh này được in trên gốm sứ, đây là bộ sưu tập công phu và rất đầy đủ về cuộc đời hoạt động của Đại tướng gắn với sự hình thành và phát triển của quân đội ta.

Phía trước công viên là con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đường có chiều dài khoảng 500m, nối Công viên với Chùa Linh Sơn trên đảo Sơn Ca. Đây là con đường làm bằng bê tông, do cán bộ, chiến sĩ trên đảo cùng nhau đóng góp công sức thực hiện trong nhiều tháng liền. Công viên và con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng trên đảo đã góp phần quan trọng để đảo Sơn Ca ngày càng khang trang, vững chắc hơn. Đây cũng là điểm nhấn, tô thắm vẻ đẹp của đảo Sơn Ca.

Đoàn công tác cùng lãnh đạo đảo Sơn Ca đi trên đường Võ Nguyên Giáp, sang Chùa Linh Sơn

 

Khẳng định chủ quyền của Việt Nam, nơi giáo dục truyền thống cách mạng trên đảo

Sau khi các công được xây dựng hoàn thành, từ năm 2015 đến nay Công viên và con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca thường xuyên tôn tạo, xây dựng cảnh quan, trồng cây cảnh và cây bóng mát, thiết lập vườn hoa để tô đẹp cảnh quan những công trình mang tên Đại tướng. Giờ đây cảnh quan ở Công viên và con đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca là một màu xanh tươi mát của những cây di sản như Bàng vuông, Phong ba, Tra, Phi lao và xen lẫn là màu đỏ tươi của hoa giấy, làm nổi bật hình ảnh tượng đài uy nghiêm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như biểu tượng của sức mạnh “bất khả chiến bại” của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Các công trình này được xây dựng để tưởng nhớ, tri ân vị đại tướng, người có công lớn trong việc ra quyết định sáng suốt, đánh chiếm để giải phóng quần đảo Trường Sa, trong đó đảo Sơn Ca được giải phóng ngày 25/4/1975. Đây là nơi để các đoàn đến công tác đến thăm đảo đến thắp hương tưởng nhớ về vị Tổng tư lệnh xuất sắc có nhiều công lao trong sự nghiẹp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc; đồng thời, nơi đây cán bộ chiến sỹ đảo Sơn Ca thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; tổ chức Lễ dâng hương vào các ngày lễ, tết, ngày truyền thống của đơn vị, của Quân đội và của dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, các hoạt động này giúp cán bộ, chiến sĩ tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử truyền thống đấu tranh của quân đội Nhân dân Việt Nam, về cuộc đời hoạt động cách mạng và những đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với dân tộc ta, đặc biệt là đối với lực lượng Quân đội. Điều đó giúp những người lính Trường Sa thêm củng cố niềm tin, vững vàng ý chí để chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chiến sỹ đảo Sơn Ca đến tìm hiểm về lịch sử của quân đội, Hải quân Việt Nam và cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sơn Ca, cho biết: Công viên và con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng đã góp phần quan trọng, mang ý nghĩa to lớn là tưởng nhớ, tri ân và vinh danh vị tướng huyền thoại của dân tộc, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, bậc thiên tài quân sự của thế giới. Sự hiện diện tượng đài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, góp phần quan trọng xây dựng và củng cố niềm tin vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là điểm nhấn tô thêm vẻ đẹp cho đảo Sơn Ca, khẳng định về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn và chiến lược quân sự thiên tài đã tạo nên sức mạnh của quân đội Việt Nam, mang về đại thắng 30 tháng tư năm 1975 và chiến thắng Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, nay cũng đã ra đi theo Bác. Đến lúc về với cõi vĩnh hằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh kính yêu vẫn yên nghỉ hướng mắt nhìn ra đảo Yến xung quanh là biển cả bao la. Từ trên ngọn núi Mũi Rồng vươn ra Biển Đông, di hài của Người vẫn đang dõi theo, như để “che chở”, tiếp thêm sức mạnh để quân đội ta bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo cho tổ quốc Việt Nam.

 

Một trong 300 bức ảnh in trên gốm được gắn trên bức tường phía sau Chân dung Đại tướng 

 

Sự hiện hữu của các công trình mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa là lời khẳng định đanh thép, bằng chứng không thể chối cãi với bạn bè quốc tế và các nước láng giềng về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Đó cũng là biểu tượng về sức mạnh, ý chí quật cường của Quân đội Nhân dân Việt Nam, quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đó cũng là tình cảm của nhân dân cả nước,  để tri ân sâu sắc, những tình cảm thiêng liêng dành cho vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

Y sỹ Nguyễn Tiến Thành quê ở TP. Thái Nguyên vinh dự được giao nhiệm vụ vệ sinh khu vực tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngoài giờ trực ở Bệnh xá

 

Những dấu mốc quan trọng: Chiến lược và tầm nhìn xa về chủ quyền biển đảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Ngày 7/5/1955, Đại tướng cho thành lập Cục Phòng thủ bờ biển, đánh dấu sự ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đại tướng đã thường xuyên chăm lo, quan tâm đến phát triển lực lượng này.

Sự kiện giải phóng Trường Sa: Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên tháng 3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nhận ra thời cơ chiến lược thống nhất đất nước mà còn nghĩ ngay đến việc giải phóng các đảo trên biển Đông. Đại tướng đã kiến nghị với Bộ Chính trị: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo…”. Kiến nghị này được Bộ Chính trị đồng ý ghi vào Nghị quyết ngày 25/3/1975.

Ngày 02/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho đồng chí Lê Trọng Tấn: phải nắm lực lượng Khu 5 và Hải quân để tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Lệnh của Đại tướng rất rõ: Khi thấy quân đội Sài Gòn nguy khốn thì lập tức tổ chức đánh chiếm các đảo. Trường hợp nước ngoài thừa cơ chiếm đảo thì ta kiên quyết chiếm lại, gặp khó khăn gì phải báo cáo Tổng Hành dinh. Bộ đội đặc công Hải quân của ta đã mưu trí, dũng cảm giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa. Ngày 29/4/1975, ta đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược này.

Chiến lược khoa học, kinh tế biển: Năm 1977 với trọng trách là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo nghiên cứu soạn thảo để có Nghị quyết 37/NQ-TƯ ngày 20/4/1981 về chính sách khoa học kỹ thuật thành văn đầu tiên ở nước ta. Trong đó có một dòng giản dị chứa đựng tâm huyết của Đại tướng: “phát triển mạnh mẽ khoa học kỹ thuật về biển”. Đại tướng thường nhắc: Nước ta có vùng biển rộng gấp nhiều lần diện tích đất liền, trong tương lai dân ta sẽ sống trên biển, phải phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ba mươi năm trước, Đại tướng đã đề xuất một chiến lược về kinh tế biển, khoa học - kỹ thuật về biển. Đại tướng đã đưa ra khái niệm phát triển toàn diện về biển, xây dựng phát triển biển phải gắn bó chặt chẽ với quốc phòng an ninh, khoa học, kinh tế và con người, muốn giữ biển phải gắn bó với dân.

 

 

Nguồn: Thainguyen.gov.vn

Đức Năm