Truy cập nội dung luôn

Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020

Ngày 9/5, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020. Chủ đề của hội nghị “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế, ứng phó với dịch Covid – 19.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên

Dự họp có trên 6.000 đại diện doanh nghiệp, lãnh đạo bộ ngành, địa phương... tại 63 điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương của tỉnh…

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong số 130.000 doanh nghiệp (DN) được khảo sát thì có 86% cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch, 58% DN bị giảm mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm và 45% DN thiếu vốn để sản xuất kinh doanh. Về tổng hợp kiến nghị, sáng kiến của DN, đánh giá mức độ hấp thụ chính sách, theo Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có 55% DN cho biết duy trì tăng trưởng trong Quý III, 21% DN cho biết sẽ thu hẹp sản xuất. Các DN đã đề xuất miễn, giãn, giảm phí thuế, thúc đẩy nhanh các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Tại hội nghị, đại biểu cũng đã nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; khuyến khích DN tái cấu trúc, chủ động sáng tạo, phát hiện cơ hội mới, để thích ứng với hoàn cảnh mới; nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch Covid-19. Nhận định về tình hình, khó khăn trong thời gian tới, đại biểu dự họp đã nêu rõ một số vấn đề như: Phía trước vẫn còn tiềm ẩn, nguy cơ và thách thức như tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các DN. Các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các DN FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn.

Do đó, để có thể vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị 6 giải pháp để DN chớp lấy thời cơ "vàng" để phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng. Đó là: Sớm phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư, xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới; hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

Hội nghị cũng làm rõ một số nội dung, kiến nghị vướng mắc của DN như: Giải pháp, đề xuất chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; các chính sách về tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ, minh bạch dòng tiền; giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao công tác phòng, chống dịch  Covid - 19 của các bộ, ngành, địa phương, DN và nhân dân cả nước. Đồng thời nhấn mạnh: Sau 23 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, chưa có người tử vong vì Covid - 19, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Về phát triển kinh tế, Thủ tướng nhận định: Trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn thì Việt Nam đã tích luỹ được nguồn lực như những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây. Năng lực nội sinh của nền kinh tế Việt Nam, của DN Việt Nam là vô cùng to lớn. Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới. Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, còn giờ đây, tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy.

Trên tinh thần đó, phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %. Muốn như vậy chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. Cụ thể, thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.

Để cụ thể hóa, Thủ tướng mong muốn các DN phải hành động, phải có quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới như lò xo bị nén giờ bật lên để phát triển. Đồng thời chỉ ra 6 nội dung doanh nghiệp cần làm: Phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ; đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau; không nản chí; cần năng động, quyết đoán, vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội; sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau và cuối cùng là cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.

Các bộ, ngành, phải xắn tay vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho DN, một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn càng được hun đúc, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một tinh thần dám đổi mới kiến tạo phát triển, một tinh thần dựa vào sức mạnh của gần 100 triệu dân. Đặc biệt, phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói rồi để đó, thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển...

Nguồn: www.alostories.com

Thanh Hiếu