Truy cập nội dung luôn

Giải quyết tận gốc tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công

Chỉ còn bốn tháng nữa là kết thúc năm 2017 nhưng tiến độ giải ngân (TÐGN) vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn rất khiêm tốn. Tình trạng này xảy ra ở nhiều bộ, ngành, lĩnh vực...

Ðường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, một trong những công trình được xây dựng bằng vốn đầu tư công. Ảnh: BẢO AN

 

Tỷ lệ giải ngân thấp

Năm 2017, tổng số vốn kế hoạch chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN là 357.150 tỷ đồng, trong đó có tới hơn 60 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP). Với lượng vốn lớn rất khó khăn mới huy động được như thế, nhưng tới ngày 15-8, tổng số vốn thanh toán chỉ đạt 131 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6% tổng kế hoạch vốn năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội, và 42,3% kế hoạch vốn đã được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, nguồn vốn NSNN mới đạt 42% kế hoạch, số giải ngân của các bộ, ngành T.Ư mới chỉ đạt 45,8%, các địa phương chỉ đạt 41,3% so với kế hoạch Quốc hội phân bổ. Nguồn vốn TPCP cũng mới chỉ đạt 1.877 tỷ đồng, bằng 3,8% tổng kế hoạch vốn, 36,1% kế hoạch đã giao.

Số ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN cũng chỉ mới đạt 137 nghìn tỷ đồng, đạt 38,4% tổng kế hoạch vốn; nguồn vốn TPCP đã giải ngân 2.459 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 4,9%. Ðó là chưa kể số vốn từ nguồn TPCP chuyển nguồn chỉ đạt 9% trên tổng nguồn, 23,4% kế hoạch đã giao. Bộ Tài chính cho biết, vẫn còn tới 13 trong 44 đơn vị ở T.Ư, 4 trong 63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%. Ðiển hình như Văn phòng Quốc hội mới đạt 2,2%, Bộ Y tế mới đạt 19,2%, Bộ Ngoại giao mới đạt 5,3%, tỉnh Ðồng Nai mới đạt 25,7%, Tây Ninh mới đạt 29,7%. Riêng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chưa thực hiện giải ngân.

Theo Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng, muốn giải ngân thì trước hết phải giao được vốn. Chỉ khi qua được thủ tục mở đầu này, các khâu tiếp theo mới "chạy" được, như đấu thầu, chọn nhà thầu, xây dựng rồi mới thanh toán vốn. "Vốn nằm im tại Kho bạc Nhà nước, ngành tài chính rất "buốt ruột". Nhưng chỉ riêng ngành tài chính thì không thể thúc đẩy TÐGN. Chúng tôi bảo đảm, nếu các đơn vị đủ hồ sơ, chỉ cần trong một ngày là có thể được giải ngân" - Bộ trưởng Ðinh Tiến Dũng khẳng định.

Tập trung giải ngân

Theo tính toán, cộng cả vốn năm 2016 chuyển sang, hiện có khoảng 300 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công tồn đọng, khiến gánh nặng lãi suất tăng lên, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Số vốn này nếu được giải ngân kịp thời, có thể giúp nền kinh tế có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Các bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm đưa ra nhiều lý do, hầu hết cho rằng do nguyên nhân khách quan, hoặc do thể chế, cơ chế. Nhiều bộ, ngành phản ánh: trong quá trình thực hiện đầu tư công, có tình trạng "đá qua, đá lại" giữa các bộ, ngành với nhau, tuy các bộ là "hàng xóm" về khoảng cách địa lý nhưng thủ tục hành chính cứng nhắc, riêng việc trao đổi công văn, giấy tờ đã mất rất nhiều thời gian. Các địa phương cũng có tình trạng tương tự, chủ yếu vướng mắc do cơ chế, chính sách. Tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Ðà Nẵng, nguyên nhân chậm giải ngân còn do ảnh hưởng của việc sắp xếp tổ chức, bộ máy các ban quản lý dự án, chậm điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán để chuẩn xác gói thầu; thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới chậm, nhất là khâu thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán. Trong số 13 đơn vị bị Chính phủ phê bình về TÐGN chậm, tỉnh Bình Dương nhận trách nhiệm chủ quan, do một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư chưa chủ động, quyết liệt và khẩn trương triển khai dự án, nghiệm thu khối lượng và giải ngân kế hoạch đầu tư công được giao; chưa phối hợp tốt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư còn lúng túng, chưa chủ động báo cáo tình hình thực hiện.

Bên cạnh các nguyên nhân nêu trên, nhiều bộ, ngành, địa phương phản ánh về cơ chế phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn chậm, ảnh hưởng không nhỏ tới TÐGN chung. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Trần Văn Miên, một trong những nguyên nhân khiến Ðà Nẵng giải ngân chậm là do thời gian giao kế hoạch vốn T.Ư bổ sung có mục tiêu còn chậm trễ. Ngày 28-4, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư mới có quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn đợt 2. Ðến giữa tháng 5, UBND thành phố giao kế hoạch vốn cho các dự án đã đầu tư. Kế hoạch giao vốn T.Ư chậm, đương nhiên sẽ kéo tiến độ giao vốn của thành phố chậm theo.

Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Ðào Quang Thu cho biết, theo quy định về vốn TPCP, điều kiện để bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm cho dự án khởi công mới phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 30-10 năm trước năm kế hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án khởi công mới bố trí kế hoạch vốn TPCP năm 2017 đều có quyết định đầu tư sau ngày 31-10-2016.

Rõ ràng, để tiến độ giải ngân đạt tỷ lệ thấp, trách nhiệm trước hết là do người đứng đầu chỉ đạo không quyết liệt, cụ thể, không tập trung giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, đồng thời năng lực của đơn vị thi công chưa đáp ứng yêu cầu... Thậm chí, còn có hiện tượng đẩy TÐGN lên, ứng vốn xong gửi ngân hàng, tăng tỷ lệ giải ngân nhưng tiền đó không chi vào đầu tư phát triển. Như vậy, không những không thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mà còn tăng tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công.

Ngày 3-8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có giải pháp mạnh nhất để tập trung giải ngân, nếu năng lực nhà thầu không đáp ứng được phải thay thế; hoặc bộ phận cán bộ theo dõi có năng lực yếu kém thì sắp xếp, thay thế cán bộ. Nếu tắc ở khâu giải phóng mặt bằng thì đó là trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương. Nếu đến tháng 10, các đơn vị không giải ngân tích cực, Chính phủ bắt buộc phải điều chuyển vốn. Các bộ, ngành, địa phương phải dồn sức quyết toán các công trình hoàn thành, dứt điểm nguồn vốn đầu tư trong năm nay. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành T.Ư tập trung thực hiện kỷ luật, kỷ cương tài chính, tháo gỡ cơ chế, bổ sung sửa đổi phù hợp thực tiễn. Như vậy mới giải quyết được tận gốc tình trạng "đá qua, đá lại", địa phương hay bộ, ngành chỉ đóng "phí" thẩm định xong rồi về đợi. Ðây là cách vừa chống thất thoát, vừa chống lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước.

Nguồn: nhandan.com.vn
Tác giả: Sông Trà