Truy cập nội dung luôn

Khám phá hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà

 

Trong lòng hang Phượng Hoàng

Đi dọc theo quốc lộ 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn), cách thành phố Thái Nguyên 45km, bạn sẽ đến với huyện Võ Nhai nơi có hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, một trong những danh thắng đẹp nổi tiếng nơi này.

Để leo lên được tới cửa hang Phượng Hoàng, phải trải qua một chặng đường rải đầy đá mèo với độ cao khoảng 500m, nhưng khi đến cửa hang bạn sẽ quên ngay chặng đường khó khăn đã vượt qua bởi khung cảnh hùng vĩ, trữ tình hiện ra trước mắt.

Phượng Hoàng là một hang động rộng và có vẻ đẹp kỳ lạ. Từ cửa hang có thể bao quát hết quang cảnh cả vùng đất rộng lớn. Hai vòm cửa hang rộng và cao hàng chục mét. Bước vào trong hang, ánh sáng từ hai cửa rọi vào làm khung cảnh càng thêm lung linh, huyền ảo.

Hang gồm có ba tầng, tầng thượng là Hang Dơi, tầng giữa gọi là hang Sáng, tầng cuối là Hang Tối. Hang Sáng là hang rộng nhất, được ánh sáng từ của hang chiếu vào làm các khối nhũ đá trở nên kỳ vĩ.

Từ trên đỉnh hang, vách hang không biết bao nhiêu nhũ đá được mẹ thiên nhiên tạc thành những khối nhũ đẹp tuyệt. Du khách cứ thế tưởng tượng ra nào là hình ảnh mẹ bồng con, nào là chim phượng hoàng cất cánh, hổ phục, voi chầu, kỳ lân….


Một cửa hang Phượng Hoàng - Ảnh: Hoàng Hân



Những khối thạch nhũ nhuốm màu thời gian - Ảnh: Hoàng Hân


Người dân nơi đây truyền tai nhau sở dĩ núi có tên Phượng Hoàng là do câu chuyện về tình thủy chung của đôi phượng hoàng sống trên núi thuở xa xưa.

Chuyện kể rằng trên núi có đôi chim phượng hoàng, ngày ngày chim bố đi kiếm mồi về để chim mẹ ấp trứng. Nhưng một ngày kia chim bố mải vui đi theo đàn chim từ nơi khác đến mà quên đường về.

Đến khi nhận ra, chim bố quay trở lại thì chim mẹ đã vì chờ đợi buồn phiền mà hóa đá. Quá ân hận chim bố nằm trên ngọn núi đối diện chờ mong chim mẹ trở về trạng thái bình thường, nhưng cuối cùng cũng hóa thành đá. Từ đó núi có tên Phượng Hoàng.

Không chỉ có vẻ đẹp hùng vĩ, phong cảnh hữu tình, hang Phượng Hoàng còn là một di tích lịch sử của căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai năm xưa, là điểm đến không thể bỏ qua khi ghé thăm vùng đất với những truyền thống lịch sử hào hùng - thủ đô kháng chiến xưa.

Với trận địa mìn, súng kíp, bẫy, giáo mác cùng chiến thuật đánh du kích vào ngày 27-11-1944, đội cứu quốc quân gồm 75 người và 373 hộ dân đã gây thiệt hại nặng cho một tiểu đoàn giặc Pháp với nhiều binh khí yểm trợ.

Đặc biệt, đến di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia này, du khách còn được nghỉ ngơi trên các nhà sàn, cùng bà con dân tộc nhâm nhi chén rượu nếp, hòa mình với thiên nhiên và cảm nhận hơi ấm của tình người đơn sơ, mộc mạc nhưng thật đáng nhớ.

Một góc cảnh khi nhìn từ đỉnh núi