Truy cập nội dung luôn

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Người Hà Nội và ký ức Giáng sinh năm 1972

2012-12-24 15:59:00.0

Trong ký ức của những người dân Hà Nội, giáng sinh năm 1972, Hà Nội mang vẻ đẹp bình yên và trầm trầm mặc. Nhưng...
Một Noel an lành đang đến, đường phố Hà Nội tấp nập, đông vui với những dòng người háo hức đón chờ đêm chúa giáng sinh cùng tiếng chuông ngân vang. Trong niềm vui ấy, người Hà Nội không quên ngày Noel lịch sử năm 1972 - ngày "Giáng sinh màu lửa" trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhắc nhở người Việt Nam niềm tự hào về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu.

Trên 20.000 tấn bom đạn Đế quốc Mỹ đã trút xuống nhưng không thể khuất phục được lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.Hà Nội ngày 25/12/1972, nhiều người dân Thủ đô đi sơ tán trở về với lòng tin Giáng sinh - người Mỹ không ném bom. Quả thế thật, sau đợt ném bom đêm 24/12/1972, Đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom 36 giờ đón Giáng Sinh. Hà Nội vắng tiếng bom sau 7 ngày chiến đấu quyết liệt với pháo đài bay B52. Cuộc sống người dân Hà Nội trở lại với vẻ đẹp thanh bình vốn có.

Phố Khâm Thiên tan hoang sau trận bom năm 1972


Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại: "Tôi đi xe đạp qua phố Bà Triệu vẫn nghe thấy tiếng hát vọng lại. Dân Hà Nội rất đặc biệt, nhà cửa đổ tan như thế, các nhà đi sơ tán như thế nhưng không nhà nào khóa cửa, không mất gì trong nhà. Dân đổ xô ra đường dọn dẹp khu phố".
Giữa những ngày đông, thời tiết Hà Nội ấm áp lạ thường. Từng tốp thanh niên, học sinh, sinh viên kéo về Hà Nội chơi Giáng sinh và lấy lương thực rất đông. Phố Khâm Thiên – nơi sinh sống rất nhiều người công giáo nhộn nhịp trở lại. Khu phố nằm xa các cơ sở quân sự nên dân chúng tin rằng ở đây an toàn. Các gia đình công giáo trở về, mong được đón ngày Chúa ra đời tại Nhà thờ Lớn. Trong dòng người đó có gia đình ông Phạm Văn Thông, ngày đó vợ và cô con gái 10 tuổi của ông từ Thường Tín trở về cùng ông ăn bữa cơm, cùng đi bộ lên Nhà thờ Lớn.

Ông Thông nhớ lại: "Vợ con tôi ra đi chơi Noel, mà cũng bởi đi mãi nhớ nhà nên về. Đây cũng là dịp về lấy lương thực"
 
Đêm Giáng sinh, phố nhà Chung bừng sáng. Người người kéo nhau về Nhà thờ Lớn, đường phố tấp nập như chiến tranh không hiện hữu trên mảnh đất này mà ở nơi nào xa lắm. Bên trong Nhà thờ Lớn đèn, nến lung linh, tiếng chuông ngân vang, cha xứ làm lễ cầu mong thái bình cho con dân. Mọi người đều hướng đến Chúa cầu nguyện cho ngày thái bình không xa.

Trong ký ức của những người dân Hà Nội, Giáng sinh năm 1972, Hà Nội mang vẻ đẹp bình yên và trầm trầm mặc. Nhưng…

36 giờ sau, đêm 26/12, ngay sau Giáng sinh 1 ngày, B52 lại rải thảm Hà Nội. Thành phố mất điện, còi báo động nổi lên thông báo máy bay Mỹ cách Hà Nội 80 cây số, 50 cây số… Mọi người chạy xuống hầm trú ẩn. Dân quân sẵn sàng chiến đấu…

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói:  "Sau khi dừng bắn trong một ngày thôi, trong lúc người dân còn đang vui tết Noel, nhất là đồng bào thiên chúa thì bị tập kích. Chính trận tập kích ấy dẫn đến trận thảm sát ở trung tâm Hà Nội là Khâm Thiên. Đó là một tội ác rất man rợ".

Sau đợt ném bom, phố Khâm Thiên tan hoang khi toàn bộ 6 khối phố bị xóa sạch bởi bom B52, gần 2.000 ngôi nhà bị đánh sập, 534 nhà bị phá hủy hoàn toàn, bom đạn đã cướp đi 283 sinh mạng, làm thương 266 người.

Trong những người không may có những đưa con của bà Nguyễn Thị Mão, ngõ Sâm Quần, Khâm Thiên. Khi biết tin Mỹ ngừng ném bom ngày Giáng sinh, con dâu và con trai lớn của bà tranh thủ từ Lai Xá, Hoài Đức trở về lấy lương thực và trông nom nhà cửa. Nhưng lời hứa mang lương thực về cho mẹ cùng các em mãi mãi không thực hiện được.

Biết bao mùa Giáng sinh an lành đã trôi qua, những căn hầm trú bom xưa đã được lấp kín, những đổ nát ngày nào giờ là đã được xây dựng lại. Người người háo hức đón chờ đêm Chúa Giáng sinh. Trong niềm vui ấy, người Hà Nội không quên những thời khắc lịch sử bởi có những hi sinh, những đau thương mất mát ngày ấy mới có hòa bình hôm nay./.

 

Nguồn: vov.vn
Tác giả: Ngọc Ngà