Truy cập nội dung luôn

Luật hóa việc “lắng nghe” dân

Các đại biểu Quốc hội đã thông qua 3 quy định quan trọng trong dự thảo trước khi thông qua toàn văn, đó là các điều khoản về Trụ sở tiếp công dân, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tiếp công dân và tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội
Với 9 Chương 36 Điều, Luật quy định đầy đủ những nguyên tắc tiếp công dân gồm công khai, dân chủ, kịp thời, giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo, tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện khiếu nại, tố cáo, phản ánh theo quy định của pháp luật.

Đạo luật nghiêm cấm những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở người khiếu nại, tố cáo, phản ánh hoặc thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc tiếp công dân. Đồng thời, cũng nghiêm cấm việc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự, xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, kích động, lôi kéo người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân.

Với các quy định đầy đủ, thống nhất, đạo luật mới khắc phục tình trạng tản mát của hệ thống các văn bản quy phạm về vấn đề tiếp dân, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân còn chưa thống nhất ở các hệ thống cơ quan khác nhau. Đồng thời, tạo nhận thức đầy đủ ý‎ nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, gắn kết công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo…

* Cũng trong buổi làm việc chiều 25/11, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tán thành với việc cần thiết sớm sửa đổi những tồn tại, bất cập trong Luật Bảo vệ môi trường 2005, các đại biểu tập trung ý kiến nhằm hoàn thiện một số quy định trong dự luật theo hướng đi vào khả thi trong thực tế, cụ thể hóa trực tiếp trong đời sống.

Nhiều ý kiến đề cập tới những vấn đề mới nảy sinh của tình trạng biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái, do đó đòi hỏi pháp luật về bảo vệ môi trường phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá. Trong đó, chú trọng tới việc chấp hành nghiêm, chất lượng các báo cáo đánh giá tác động môi trường tại các dự án công nghiệp, thủy điện, khai thác tài nguyên… thường gây ảnh hưởng lớn đến tự nhiên.

Quốc hội cũng đề nghị dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phải khắc phục những vấn đề còn yếu hiện nay, nhất là các quy định chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe vi phạm trong nhiều lĩnh vực. Dự luật cũng cần các cơ chế khuyến khích các dự án, hoạt động chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, thân thiện với môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Nguồn: chinhphu.vn
Tác giả: