Truy cập nội dung luôn

Chủ động phát huy tiềm năng để đón nhận cơ hội mới

Tiềm năng lớn chưa được phát huy

Vùng nguyên liệu chè Vĩnh Phúc (Ảnh: Trần Hoàn)

Ngành chè Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh lớn, là quốc gia có nhiều vùng nguyên liệu rộng lớn, chất lượng cao; hiện nay, một số sản phẩm chè Việt Nam đã được thế giới biết đến. Nhưng trong thời gian vừa qua, thương hiệu chè Việt Nam trên trường quốc tế vẫn còn nhỏ bé, sức cạnh tranh thấp. Việt Nam là quốc gia sản xuất chè lớn thứ 7, diện tích trồng chè cả nước khoảng 124.000 ha và có hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến chè với công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa phải là nước sản xuất và xuất khẩu chè hàng đầu, chỉ đứng thứ 5 trên thế giới. Sản phẩm chè của Việt Nam đã được xuất khẩu đi hơn 100 nước, nhưng giá trị xuất khẩu thấp, hầu hết sản phẩm chỉ được khách hàng biết đến về khả năng cung cấp khối lượng lớn, giá rẻ và chất lượng trung bình. Hiện nay, chè xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là dạng nguyên liệu sản xuất, được đóng bao to từ 30-60kg theo yêu cầu của nhà nhập khẩu nhằm giảm thuế nhập khẩu (thuế từ 1 - 3%, nếu nhập khẩu chè đóng gói nhỏ dưới 3kg sẽ chịu mức thuế rất lớn từ 30 - 45%). Đây là lý do chè Việt Nam xuất khẩu sang các nước chủ yếu được đóng bao to để các nhà nhập khẩu mua về đóng gói nhỏ và lấy nhãn mác, thương hiệu khác bán ra thị trường. Do vậy, người tiêu dùng trên thế giới ít biết đến các sản phẩm chè có nhãn mác và thương hiệu chè Việt Nam. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu và giá trị xuất khẩu của ngành chè Việt Nam.

Tỉnh Thái Nguyên có nhiều vùng nguyên liệu chè đặc sản nổi tiếng cả nước như Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc... Tại cuộc thi chè Quốc tế do Hiệp hội chè Mỹ và Canada tổ chức tháng 8/2017, sản phẩm chè của Thái Nguyên đã vượt lên các sản phẩm chè đặc trưng của các quốc gia sản xuất chè lớn trên thế giới, đoạt giải Đặc biệt (Overall Award) cho sản phẩm chè “Đinh Vương phẩm”, điều đó khẳng định sản phẩm chè của Việt Nam có đủ điều kiện để cạnh tranh và xuất khẩu sang các thị trường lớn, yêu cầu khắt khe như Mỹ, Canada, Nhật bản...

Cơ hội lớn từ CPTPP đối với ngành chè

Thi Người đẹp xứ Trà tại Vùng chè đặc sản La Bằng, huyện Đại Từ

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico... Việc tham gia khối CPTPP cùng với các hiệp định tự do thương mại FTA khác ký với EU, Hàn Quốc; với mức thuế suất 0%, các sản phẩm chè của Việt Nam có cơ hội lớn, với tính cạnh tranh vượt trội so với chè đến từ các quốc gia khác ở hầu hết các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Canada, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… đây còn là cơ sở để các sản phẩm chè Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến với nhuận cao hơn và thương hiệu quốc gia “Chè Việt Nam” ngày càng được khách hàng trên thế giới biết đến.

Ngày 9/3/2018, hiệp định CPTPP 11 nước tham gia gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã được ký kết tại Thủ đô Santiago của Chile, dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2019. Khi đó mức thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0% cho mọi loại chè của Việt Nam vào khối này. Đặc biệt, trong khối CPTPP gần như chỉ có Việt Nam xuất khẩu chè. Đây là lợi thế lớn đối với ngành chè Việt Nam, nhiều sản phẩm xuất khẩu thành phẩm đóng gói nhỏ có nhãn mác mang thương hiệu các vùng chè Việt Nam sẽ đến tay người tiêu dùng thế giới với giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với các đối thủ đến từ các quốc gia còn lại.

TS.Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng: CPTPP là cơ hội thuận lợi đối với Việt Nam, nhất là về xuất khẩu. Đối ngành chè Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần có sự chuẩn bị để chủ động khai thác những lợi thế, hạn chế những khó khăn khi CPTPP chính thức có hiệu lực; những điểm cần lưu ý đó là: Nắm chắc sự biến động tỷ giá quốc tế của đồng Đô la mỹ (USD) và danh mục hàng hóa bị áp thuế tại thị trường Mỹ để hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược xuất khẩu phù hợp; cần dự báo những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ nhằm hạn chế những rủi ro, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác, nâng cao năng lực xuất khẩu sản phẩm chè vào thị trường Mỹ và các quốc gia lân cận; đồng thời, cần thu hút nguồn vốn FDI vào ngành chè để nâng cao năng lực sản xuất, chế biến; nâng cao chất lượng và phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu; hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác của sản phẩm; các doanh nghiệp cần nắm chắc những cam kết của các bên trong CPTPP để thực hiện đúng, tạo dựng lòng tin nhằm củng cố và phát triển thương hiệu Chè Việt Nam với khách hàng quốc tế.

Xây dựng hệ thống chuỗi sản xuất và kênh phân phối:

Cơ giới hóa việc thu hái chè ở Vĩnh Phúc (Ảnh: Trần Hoàn)

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có về sản lượng, vùng nguyên liệu chất lượng của ngành chè Việt Nam, đặc biệt là lợi thế cạnh tranh lớn khi Việt Nam là thành viên của CPTPP. Mặt khác, thị trường nội địa của Việt Nam với gần 100 triệu dân có nhu cầu cao về những sản phẩm chè đặc sản và chè làm quà tặng. Nhưng để phát huy được những tiềm năng, thế mạnh và lợi thế đó thì ngành chè cần phải xây dựng và hoàn chỉnh, chuyên nghiệp các kênh phân phối sản phẩm hiện nay theo hướng “chuỗi sản phẩm” từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Đối với kênh phân phối trong nước: Ngành chè cần điều tra, khảo sát, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và nhu cầu để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, đa dạng chủng loại sản phẩm đáp ứng tốt mọi nhu cầu về sản phẩm chè và các sản phẩm, chế phẩm khác từ chè như: Trà Matcha, bánh trà, trà sữa… đồng thời cần tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm mới; thiết lập hệ thống kênh phân phối chuyên nghiệp nhằm đưa sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh với sản phẩm trà các nước khác trên thị trường nội địa. Các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, hợp tác để phát triển theo mô hình chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ; nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Mặt khác, cần tăng cường quản lý chất lượng, nhãn mác và thương hiệu các sản phẩm chè của từng địa phương, vùng nguyên liệu để người tiêu dùng nhận diện và lựa chọn sản phẩm theo nhu cầu sử dụng; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, làm giả hàng hóa, nhãn mác, vi phạm về bản quyền, thương hiệu để không gây thiệt hại và hiểu lầm sản phẩm của người tiêu dùng.

Đối với kênh phân phối ngoài nước và xuất khẩu: Hiện nay, thị trường thế giới chưa biết nhiều đến các sản phẩm chè đặc sản của Việt Nam, do vậy ngành chè cần có kế hoạch, lộ trình và dành nguồn kinh phí phù hợp để tăng cường giới thiệu, quảng bá thương hiệu chè Việt Nam thông qua các kênh như: Ngoại giao, truyền thông đa phương tiện, Hội chợ triển lãm, du lịch và giao lưu hợp tác quốc tế… Trước hết, để đón đầu cơ hội xuất khẩu chè khi hiệp định thương mại CPTPP có hiệu lực, với thuế suất 0% thì ngành chè Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến để có những sản phẩm chất lượng tốt; đăng ký bản quyền, thương hiệu sản phẩm chè ở các quốc gia có nhập khẩu chè của Việt Nam và một số thị trường tiềm năng.

Để nghiên cứu nhu cầu sản xuất, phân phối, tiêu dùng, quy hoạch vùng nguyên liệu đủ lớn để ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào canh tác nhằm thâm canh tăng năng suất, giảm chi phí để nâng cao lợi nhuận cho người trồng chè và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm chè cần mở Văn phòng đại diện tại các nước nhập khẩu chè của Việt Nam nhằm chủ động hơn trong việc tiếp cận khách hàng và nắm bắt được nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng từng nước, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp bán lẻ ở các nước đưa sản phẩm chè đến tay người tiêu dùng nhanh nhất với giá cả cạnh tranh, chất lượng đảm bảo.

Để tận dụng cơ hội từ CPTPP, hạn chế những tác động xấu, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè trong nước, trong đó có Thái Nguyên, phải xây dựng chiến lược dài hạn, hiện đại hóa sản xuất và nâng cao năng lực quản trị; các doanh nghiệp trong nước cần liên kết chặt chẽ để thể giúp nhau tham gia vào chuỗi giá trị chung, trong đó doanh nghiệp lớn dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ vào chuỗi giá trị của mình. Nếu không, chúng ta sẽ mất cơ hội, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ hưởng lợi từ chính sách thuế khi đưa hàng vào từ Việt Nam.

 

Nguồn: www.alostories.com

Tác giả: Đức Năm