Truy cập nội dung luôn

Kỳ 3: Người gác cửa Biển Đông

Trên một số đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngoài lực lượng Hải quân thì còn có một số lực lượng cùng chung nhiệm vụ bảo vệ vùng trời vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đó là các Trạm Rada, lực lượng phối thuộc quan trọng trên quần đảo Trường Sa.

Kỳ 2: Trường Sa, vững vàng nơi đảo chìm 

Kỳ 1: Tết sớm ở huyện đảo Trường Sa 

 

Các nhà báo, phóng viên chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chiến sỹ Trạm Rada T57  trên đảo Nam Yết, Quần đảo Trường Sa

Trong chuyến thăm, tặng quà cán bộ chiến sỹ trên các đảo ở tuyến phía Bắc quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã đến thăm, tặng quà cho cán bộ chiến sỹ Trạm Rada T21 đảo Song Tử Tây. Trong hành trình đến với Trường Sa, tình cờ tôi gặp trắc thủ Trương Văn Đào trên tầu KN 490, là cán bộ Trạm Rada T21 ra làm nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây trong đợt thay, thu quân cuối năm nay, trắc thủ Đào giới thiệu cho tôi biết nơi anh làm việc là những quả cầu khổng lồ sơn mầu trắng trên đảo Song Tử Tây, có thể nhìn thấy từ xa. Trạm Rada T21 nằm ở vị trí phía Đông Bắc của đảo; đón tiếp chúng tôi là Trung tá Phạm Quốc Tuyến, Trạm Trưởng Trạm Rada T21. Khi hỏi thăm về cán bộ chiến sỹ trên đảo Song Tử Tây, đồng chí Trạm Trưởng cho biết: Lực lượng của Trạm thuộc biên chế của Bộ Tư lệnh Không quân, là đơn vị phối thuộc trên đảo, có nhiệm vụ “Gác cửa Biển Đông” và một số nhiệm vụ khác như quản lý thiết bị bay hàng không dân dụng quốc tế. Đối với nhiệm vụ gác cửa Biển Đông, Trạm Rada T21 sẽ phát hiện, quản lý các thiết bị bay trên Biển Đông, chủ yếu là đường hàng không của một số nước trong khu vực. Đây là vị trí án ngữ phía Bắc của quần đảo Trường Sa, Trạm Rada có nhiệm vụ quản lý và hướng dẫn các phương tiện bay dân dụng đi vào biển Đông, đồng thời phát hiện, cảnh báo sớm các thiết bị bay quốc tế đi vào biển Đông. Nhiệm vụ chính của Trạm là người canh cửa thiết bị bay vào Biển Đông và canh cửa thiết bị bay từ phía Bắc xuống Phía Nam của Việt Nam. Việc quản lý, bảo quản các thiết bị của Trạm Rada trong điều kiện thời tiết, khí hậu trên biển có nhiều muối vất vả hơn trên đất liền. Để kéo dài tuổi thọ thiết bị, khi có gió mùa Đông Bắc, hàng ngày, buổi sáng và buổi chiều cán bộ chiến sỹ ở Trạm Rada phải dùng khăn để vệ sinh bề mặt máy móc thiết bị nhằm hạn chế sự ăn mòn của muối biển, gây hư hỏng thiết bị.

Trung tá Phạm Quốc Tuyến, Trạm Trưởng Trạm Rada T21 nhận món quà Chè đặc sản của tỉnh Thái Nguyên.

Trạm Trưởng Phạm Quốc Tuyến đã lần thứ hai lên công tác tại đảo Song Tử Tây, anh cho biết, do đặc điểm công việc, thường xuyên tiếp xúc với sóng điện từ nên phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe; đặc điểm công việc yêu cầu cán bộ chiến sỹ Trạm Rada phải có khả năng sử dụng và làm chủ công nghệ tiên tiến. Trên đảo, khí hậu khắc nghiệt, nước biển mặn nhanh hư hỏng thiết bị điện, đồ dùng; tuy còn khó khăn về vật chất như thiếu điện, nước ngọt nhưng cán bộ chiến sỹ Trạm Rada T21 luôn đoàn kết, tin tưởng nhau. Lực lượng của Trạm Rada thuộc biên chế của nhiều đơn vị như: Hỏa lực, pháo phòng không không quân; nhưng tất cả đều tự giác, gắn kết, chung một nhiệm vụ là bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Việt Nam, để làm tròn trách nhiệm “Người gác cửa Biển Đông”.

Trắc thủ Nguyễn Văn Hùng, quê Đại Từ, pha trà Thái Nguyên mời khách (ngồi bên tay trái)

Trong đợt thay, thu quân năm nay có nhiều chiến sỹ công tác tại Trạm đã hoàn thành nhiệm vụ, được xuất ngũ, trở về đất liền đón Tết Nguyên đán. Phạm Tiên Hoàng, quê ở Sơn Lộc, Đồng Nai là trắc thủ Trạm Rada T21 đảo Song Tử Tây cũng nằm trong danh sách xuất ngũ. Năm 2018 Hoàng là sinh viên Trường Đại học Văn Hiến, khi vừa tốt nghiệp anh đã tình nguyện nhập ngũ ra đảo làm nhiệm vụ; xuất thân là gia đình có truyền thống tham gia quân đội, dù biết ra đảo công tác có nhiều khó khăn vất vả nhưng chiến sỹ Phạm Tiên Hoàng đã chọn khởi đầu sự nghiệp của mình là xung phong ra công tác ở nơi đầu sóng ngọn gió. Trắc thủ Hoàng tâm sự: Nếu có điều kiện, được ra công ở đảo thì tôi vẫn luôn sẵn sàng vì đó là vinh dự, tự hào đối với mỗi người dân Việt Nam; do đã công tác ngoài đảo, bản thân đã có trải nghiệm nên có thể động viên giúp đỡ các chiến sỹ mới sẵn sàng ra đảo làm nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Quả bàng vuông là món quà của người lính đảo gửi tặng người thân ở đất liền

Trên đảo Song Tử Tây, chúng tôi đã gặp được 01 chiến sỹ ở Thái Nguyên, đó là trắc thủ Nguyễn Văn Hùng, quê ở huyện Đại Từ; Hùng đang làm nhiệm vụ tại Trạm Rada T21, gặp chúng tôi Hùng rất vui mừng, chia sẻ: Tôi rất vinh dự, tự hào khi ra đảo công tác, đồng thời cũng là người Thái Nguyên duy nhất đang công tác trên đảo Song Tử Tây. Tết năm nay, Hùng vẫn ở lại đảo đón Tết cổ truyền và thực hiện nhiệm vụ gác cửa Biển Đông cùng đồng chí đồng đội. Dẫu có chút thoáng buồn, nhưng trên gương mặt điển trai, da sạm nắng vẫn toát lên nét chững chạc, rắn rỏi ở tuổi đôi mươi; khi chia tay chúng tôi, Hùng gửi lời chúc tết tới gia đình và mọi người nhân dịp năm mới xuân Canh Tý: “Con gửi lời chúc năm mới tới bố mẹ, người thân năm mới luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang thịnh vượng, con ở ngoài này yên tâm công tác và sẽ cố gắng hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao; chúc bà con nhân dân tỉnh Thái Nguyên và mọi người năm mới có nhiều sức khỏe và gặt hái nhiều thành công”. Khi chia tay, Hùng còn gửi tặng chúng tôi vài quả bàng vuông làm quà để đem về quê hương Thái Nguyên trồng, với niềm tin rằng cây bàng vuông sẽ khỏe mạnh, xanh tốt vì bàng vuông có khả năng chống chọi với mọi thời tiết khắc nghiệt mà vẫn đơm hoa kết trái, hoa bàng vuông khi nở đậm mầu tím thủy chung, son sắc. Ở ngoài đảo mọi người thường nói rằng, cây bàng vuông là hình tượng của người lính hải quân Việt Nam. Những người chiến sỹ thầm lặng đang làm việc ở biển Đông trên đảo Song Tử Tây rất thân thiện, cởi mở nhưng luôn giữ kín trong lòng những bí mật quân sự vì trách nhiệm cao cả và nặng nề; họ là đôi mắt thần của lực lượng Phòng không Không quân, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Nguồn: www.alostories.com

Đức Năm