Truy cập nội dung luôn

Kỳ 4: Cây Bàng vuông - hình tượng người chiến sỹ Hải quân

 

Quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) có nhiều loại cây, tùy theo từng điều kiện thổ nhưỡng riêng nên hệ sinh thái cây xanh trên từng đảo cũng khác nhau; một số cây có sức sống mãnh liệt, có mặt trên hầu hết các đảo đó là: Bàng  vuông, Phong ba, Mù u và cây Tra; một số cây đã được công nhận là cây di sản.

Kỳ 1: Tết sớm trên huyện đảo Trường Sa

Kỳ 2: Trường Sa, vững vàng nơi đảo chìm

Kỳ 3: Người gác cửa Biển Đông

Bàng vuông thì hầu như trên các đảo nổi đều có; tuy nhiên, ít người biết rằng: Mỗi loài cây  nơi đây đều ẩn chứa biết bao giá trị cao đẹp trong cuộc sống. Câu chuyện về những cây Bàng quả có 4 cạnh, sắc hoa tím, nở về đêm đã thôi thúc tôi tìm hiểu về giá trị nhân văn cao quý của nó. Đó là loài cây biểu trưng rõ nét nhất cho hình tượng những người chiến sỹ hải quân, là minh chứng sống động cho sức sống mãnh liệt cùng tình yêu trọn vẹn với Tổ quốc của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ nơi đảo xa.

Những chiến sỹ Hải quân đọc báo bên gốc cây Bàng vuông

Trên quần đảo Trường Sa, hệ sinh thái cây xanh trên mỗi đảo có sự khác biệt và có những thay đổi qua năm tháng. Đảo Song Tử Tây là những hàng Phong ba, Bàng vuông hiên ngang chắn gió, ngăn bão táp, trường tồn cùng năm tháng; đảo Sơn Ca là một không gian khuôn viên có nhiều cây Mù u, Tra, Thông đỏ, đã làm nên không gian cây xanh dịu mát. Đảo Nam Yết là những cây Bàng vuông đại thụ, cây Tra và hàng trăm cây dừa dáng thẳng tắp, bão tố cũng không bao giờ gục ngã như dáng đứng hiên ngang của cán bộ, chiến sỹ trên các đảo giữa biển cả bao la. Dù có sự khác nhau về chủng loại, nhưng tựu chung về đây, mỗi loài cây có mặt trên đảo đều rất đáng quý, gắn bó và thân thiết như hơi thở; cây gắn liền với tình yêu biển đảo của lớp lớp các thế hệ người chiến sỹ Hải quân Việt Nam từ bao đời nay. Cũng chính bởi vậy nên mỗi người khi ra thăm đảo đều muốn mong muốn mang 1 mầm sống xanh tốt, mang tình cảm hải đảo xa xôi về với đất mẹ quê hương. Quả cành chiết từ những  cây Bàng vuông khỏe mạnh luôn được cất để giành làm quà tặng gửi về đất liền mỗi khi có đoàn ra thăm đảo; tuy giản dị nhưng những mấm sống từ quả Bàng vuông luôn chứa đựng tình cảm, tình yêu son sắt của người chiến sỹ đối với quê hương, tổ quốc.

Thượng tá Phạm Duy Hướng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Đoàn Trường Sa nói chuyện về cây Bàng vuông

Thượng tá Phạm Duy Hướng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Hải Quân Vùng 4 đã có 28 năm gắn bó với nghề; ông không nhớ hết bao nhiêu lần mình đã cùng những đoàn công tác vượt muôn trùng sóng gió đến với các đảo ở Trường Sa. Ông cho rằng, một trong những loài cây biểu trưng nhất cho sức sống mãnh liệt cùng tình yêu vẹn toàn với biển cả quê hương của người lính Hải quân đó là những cây Bàng vuông. Mỗi cây khi có quả, chùm sẽ có quả già, quả bánh tẻ, quả non, nụ và những bông hoa đang nở xen lẫn những mầm nụ chúm chím. Điều đặc biệt hơn cả là hoa Bàng vuông chỉ nở về đêm và có mầu tím, mầu của sự thủy chung cùng tình yêu vẹn toàn của người lính đảo với biển cả quê hương, tổ quốc. Vậy nên, mỗi lần gặp các chiến sĩ trẻ, những ký ức đẹp nhất đóng quân trên đảo Nam Yết lại ùa về; đó là những ngày cùng đồng đội ngày đêm chống chọi với muôn vàn vất vả, thiếu thốn nhưng vẫn vững tay súng để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sau những giờ làm nhiệm vụ, ông lại cùng đồng đội miệt mài vun xới, chăm sóc từng gốc cây để tạo nên một hệ sinh thái cây xanh nhằm vơi đi cái nắng và gió khốc liệt giữa biển khơi.

Còn với tôi, lần đầu tiên đến Trường Sa, được tận mắt ngắm hoa Bàng vuông nở lung linh trong gió biển với sắc tím thủy chung; đồng thời nghe tâm sự của những người cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là hình ảnh cán bộ chiến sỹ gói bánh chưng bằng lá Bàng vuông kết hợp với lá dong từ đất liền gửi ra thì tôi hoàn toàn bị thuyết phục khi cây Bàng vuông được gọi là hình tượng của người chiến sỹ trên đảo. Từng chùm quả Bàng vuông tượng trưng cho các thế hệ quân nhân trên đảo đã vượt qua bão tố, khó khăn để khẳng định và bảo vệ vùng trời, vùng biển; dù thời tiết khắc nghiệt, bão tố nhưng Bàng vuông vẫn luôn xanh tốt, lá Bàng vuông vẫn luôn song hành, gắn kết bền chặt để tạo nên hương vị bánh chưng ngày Tết của người chiến sỹ trên đảo.

Gói bánh chưng dưới tán cây Bàng vuông trên đảo Nam Yết

Ba con tầu chở hàng tết và quà tết ra huyện đảo Trường Sa, cùng với việc thay thu quân năm 2019 đã hoàn thành nhiệm vụ, cập cảng. Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến rất gần; trong tôi vẫn đọng lại hình ảnh cán bộ chiến sỹ ở Trường Sa gói bánh chưng bằng lá Bàng vuông vừa để đảm bảo chế độ tiêu chuẩn Tết cho cán bộ chiến sỹ trên đảo, vừa để làm quà gửi về đất liền. Những chiếc bánh chưng vuông vắn, được gói bằng lá Bàng vuông ở đảo, kết hợp với lá dong từ đất liền dường như đã hòa quyện hương vị, màu lá, thể hiện mối gắn kết bền chặt không thể tách rời giữa đảo xa với đất liền trên mọi miền Tổ quốc. Đó thực sự là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam mỗi độ Tết đến, xuân về.

Đại úy Phạm Văn Phi Hải, Đảo Nam Yết cho biết: Việc sử dụng lá Bàng vuông để gói bánh chưng vào dịp Tết nhằm chủ động về nguyên liệu gói bánh; đồng thời cũng là để làm quà gửi về đất liền; bánh chưng khi gói bằng lá Bàng vuông luôn có mầu xanh và mùi thơm đặc trưng của lá bàng, nếu kết hợp giữa Bàng và lá dong của đất liền thì tạo chiếc bánh trưng hoàn hảo cả về thẩm mỹ và chất lượng; ẩn chứa trong đó là giá trị tinh thần, là tinh thần đoàn kết quân dân, tao nên sức mạnh của quân đội Việt Nam.

Hoa Bàng vuông khoe sắc tím như pháo hoa đêm giao thừa

Những bông hoa Bàng vuông bung nở tuyệt đẹp, lung linh như pháo hoa đêm giao thừa dường như đã trở thành huyền thoại trong tâm thức của các thế hệ những người lính Hải quân; tuy mạnh mẽ nhưng vẫn luôn e ấp tuổi 20: “Tuổi đôi mươi chưa một lần hò hẹn, trong cơn mơ vẫn gọi Mẹ ơi”.  Để mỗi khi nghĩ đến, họ lại nhớ về một thời trai trẻ đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp bảo vệ quê hương, gìn giữ độc lập, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những món quà gửi về đất liền là cây bàng con được đoàn công tác đem về cùng với những quả bàng khô đang chờ ngày nẩy lộc bám vào đất mẹ để vươn cao, xanh tốt, thích nghi với mọi điều kiện như hình tượng của người chiến sỹ hải quân trên quần đảo Trường Sa.

Nguồn: www.alostories.com

Đức Năm