Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè

2020-05-15 09:49:00.0

Cây chè được xác định là cây mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong việc phát triển sản xuất hàng hoá và là cây xóa đói, giảm nghèo, cây làm giàu cho người nông dân ở Đồng Hỷ. Chương trình phát triển chè luôn được huyện xác định là chương trình nông nghiệp trọng điểm để tập trung chỉ đạo, có chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư. Chính vì vậy, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, tạo dựng thương hiệu chè Đồng Hỷ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chè đang được huyện đặc biệt quan tâm.

Một trong những mô hình chè an toàn tại Làng nghề chè truyền thống xóm 9, thị trấn Sông Cầu

Gia đình chị Triệu Thị Kim Thanh là một trong những hộ thành viên của làng nghề chè truyền thống xóm 9, thị trấn Sông Cầu, đã từng canh tác chè lâu năm nhưng trước đây khi áp dụng canh tác và sản xuất chè theo phương thức truyền thống, năng suất chè của gia đình không cao. Thêm vào đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học chưa hợp lý nên chất lượng chè thành phẩm bị ảnh hưởng, môi trường bị ô nhiễm. Từ khi tham gia Mô hình sản xuất chè an toàn trên địa bàn gia đình chị Thanh được tập huấn; cấp phát thuốc bảo vệ thực vật sinh học và hướng dẫn sử dụng đúng cách không những giúp nâng cao chất lượng chè mà còn yên tâm hơn về sức khỏe bản thân. Chị Thanh chia sẻ: “Gia đình tôi sản xuất theo quy trình VietGAP, có nhật ký nông hộ theo dõi từng ngày bón phân, dọn cỏ hay phun thuốc bảo vệ thực vật; thời gian cách ly được đảm. Điều đó đem lạ sự an toàn trước tiên là cho gia đình, sau đó là an toàn cho người sử dụng sản phẩm". 

Làng nghề chè truyền thống xóm 9, thị trấn Sông Cầu hiện có gần 50 ha chè kinh doanh, trong đó có tới 92% diện tích chè VietGAP và chè hữu cơ. Sản lượng mỗi năm của làng nghề đạt 30 -35 tấn chè búp tươi chất lượng cao, tương đương khoảng 5-6 tấn chè khô. Anh Nguyễn Đức Trọng, Trưởng Ban Quản lý làng nghề cho biết: "Trước đây, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón chưa đúng quy trình và thiếu kiểm soát. Bây giờ bà con đã không sử dụng phân hóa học nữa mà đa số sử dụng phân hữu cơ và theo quy trình. Môi trường được đảm bảo, người trồng chè không gặp các bệnh ngoài da và các bệnh về đường hô hấp như trước kia; chất lượng chè được nâng lên. Rõ rệt nhất là trước đây mỗi kg chè chỉ bán được 100.000-120.000 đồng mà rất khó bán. Bây giờ mỗi kg chè có giá bán trung bình từ 200.000-250.000 đồng, sản phẩm làm ra đến đấu tiêu thụ hết đến đó".

Rời thị trấn Sông Cầu, chúng tôi đến xã Văn Hán, nơi có diện tích chè lớn nhất huyện với diện tích 962 ha, trong đó 906 ha chè kinh doanh, 30 ha đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Diện tích còn lại hầu hết bà con nông dân cũng đang sản xuất theo quy trình này.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, xóm Phả Lý xã Văn Hán có khoảng 0,5 mẫu chè. Mặc dù diện tích chè nhà ông chưa được cấp giấy chứng nhận VietGAP nhưng để có được nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng, ông cũng đã thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về sản xuất chè an toàn đồng thời sử dụng các loại phân bón, chế phẩm sinh học và quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP cho diện tích chè của gia đình. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm chè của gia đình ông được đảm bảo và được người tiêu dùng ưa chuộng. Dẫn chúng tôi ra thăm nương chè, ông Hồng hái búp chè non đưa lên miệng nhai và cho hay: "Những búp chè này giờ đây có thể ăn ngay tại nương cũng được không ảnh hưởng gì. Trước đây cứ thấy chè bị sâu thì phun thuốc, đến lứa thì hái nhưng bây giờ thì phải tuân thủ theo quy trình chặt chẽ. Nếu gần đến ngày hái rồi thì dù có bị sâu cũng không phun nữa, có thể hái chè non một chút. Điều đó sẽ làm giảm năng suất nhưng quan trọng là đảm bảo an toàn thực phẩm".

Không chỉ khâu chăm sóc được bà con nông dân tuân thủ chặt chẽ mà khâu chế biến cũng được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt. Những búp chè tươi hái về được trải trên bạt hoặc phơi trên những nong, nia cỡ lớn. Sau đó các bước sao sấy, vò chè, đóng gói bảo quản đều được thực hiện bằng máy như tôn quay I nốc, máy vò chè, máy hút chân không…

Hiện, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có tổng diện tích 3.846 ha chè, trong đó có 3.248,9 ha chè kinh doanh, 295,5 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP và 1.300 ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Chương trình phát triển cây chè được huyện xác định là chương trình nông nghiệp trọng điểm. Bởi vậy, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè đang trở thành yêu cầu tất yếu.

Để sản xuất, chế biến chè đảm bảo an toàn thực phẩm, thời gian qua huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng tăng cường phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy định về quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến cho các cơ sở, người sản xuất. Đồng thời khuyến khích ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên chè, chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc được phép sử dụng. Bên cạnh đó huyện cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho sản xuất, chế biến chè như: hỗ trợ 80% giá chè giống trên diện tích 150 ha, trong đó tỉnh hỗ trợ 50%, huyện hỗ trợ 30%. Ngoài diện tích trên, huyện cũng sẽ hỗ trợ 80% giá chè giống cho các diện tích chè trồng mới, trồng lại vượt kế hoạch giao; hỗ trợ kinh phí xây dựng vùng sản xuất chè tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ chè an toàn chất lượng; hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và thiết bị chế biến chè.

Thời gian tới huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và tập huấn nâng cao nhận thức người dân về vấn đề VSATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, chuyển giao công nghệ cho cán bộ khuyến nông, nông dân các vùng trồng chè... Đồng thời tập trung chỉ đạo trồng lại diện tích chè cằn xấu, năng suất thấp bằng các giống chè mới năng suất, chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất... Định hướng xuyên suốt là phát triển sản xuất chè ổn định, bền vững theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) đảm bảo ATTP và bảo vệ môi trường sinh thái vùng chè, từ đó tạo ra sản phẩm chè an toàn có sức vươn mạnh mẽ ra thị trường lớn.

Nguyễn Thơm (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)

 

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập:1620

Tổng truy cập: 538247